Breaking News

Nỗi sợ phía sau thành công của những ca sĩ "có giọng" ở nhạc Việt: Trở thành "thợ hát", "máy hát"

Những ca sĩ như Trung Quân, Hà Nhi, Myra Trần,... vẫn gặp phải nhưng vấn đề phía sau thành công của những sân khấu live đình đám.

Vì sao những “máy hát” xuất hiện?

Không ít bài hát hay, nhưng không tạo ra hiệu quả với khán giả đại chúng vì không kiếm được giọng hát phù hợp. Số lượng những sản phẩm theo dạng này không phải là ít. Ngược lại, nhiều bài hát vốn tương đối bình thường về mặt nội dung, giai điệu nhưng nhờ cách hát, cách xử lý đầy nghệ thuật của ca sĩ lại trở nên hay hơn.

Nổi bật có thể kể đến Trung Quân. Nam ca sĩ ngày càng nhận được nhiều sự yêu thích từ khán giả hơn và luôn nhận về những nhận xét như "cover hay hơn cả bản gốc" hay "bài này sinh ra là dành cho Quân". Những bài hát như Tự Tình 2, Ngày Mai Người Ta Lấy Chồng hay nổi bật là Ai Chung Tình Được Mãi đều thành hít sau khi được cover bởi nam ca sĩ sinh năm 1989. 

Nỗi sợ phía sau thành công của những ca sĩ 'có giọng' ở nhạc Việt: Trở thành 'thợ hát', 'máy hát' - 1

Trung Quân nhận được sự yêu thích khi "nâng tầm" nhiều bài hát.

Trái ngược lại với hiện tượng này, nhiều ca sĩ bị gọi là “máy hát” khi xuất hiện tại các sân khấu ca nhạc. Với kỹ thuật thanh nhạc ổn định, những ca sĩ này không hề gặp khó khăn trong việc chạy nốt, trưng trổ khi hát. Tuy vậy, tính cảm xúc lại không còn được thể hiện rõ ràng.

Một trường hợp khác là những ca sĩ liên tục hát ballad trong các show diễn chỉ cách nhau 2 đến 3 ngày trong tuần. Thậm chí, tối hôm trước diễn ở Đà Lạt, tối hôm sau lại hát đúng lượng bài đó tại TP. HCM.

Nổi bật có thể nhắc đến Quốc Thiên trong nhiều năm trước hay gần đây là Myra Trần, Trung Quân, Văn Mai Hương,... ở thời điểm hiện tại. Hay một ví dụ khác là những thí sinh của Vietnam Idol 2023 - nơi sự non nớt biến họ thành những "thợ hát", chưa có nhiều tiết mục chạm đến khán giả đại chúng.

Điều này có thể đến từ vấn đề trải nghiệm của cá nhân người ca sĩ, hoặc sâu hơn nữa là sự nghiên cứu bài hát qua loa, thiếu nghiêm túc. Những vấn đề về âm sắc, cá tính giọng hát cũng đã được vô số bài viết đưa ra phân tích từ lâu.

Huấn luyện viên thanh nhạc Mỹ Ngọc - người từng hướng dẫn ERIK và nhiều nghệ sĩ khác - đưa ra phân tích: “Đây là một điều không tránh khỏi không chỉ với âm nhạc, mà trong mọi ngành nghề. Bạn rất dễ dàng bắt gặp những người mỗi ngày lê lết tấm thân lên văn phòng trong tình trạng chán chường. Để giải quyết vấn đề này, ngành nghề nào cũng vậy, cần phải đi đúng con đường, và lắng nghe bản thân”. 

Nỗi sợ phía sau thành công của những ca sĩ 'có giọng' ở nhạc Việt: Trở thành 'thợ hát', 'máy hát' - 2Nỗi sợ phía sau thành công của những ca sĩ 'có giọng' ở nhạc Việt: Trở thành 'thợ hát', 'máy hát' - 3

Mỹ Ngọc là huấn luyện viên thanh nhạc từng hướng dẫn cho nhiều tên tuổi nổi bật như Hà Nhi, ERIK, Myra Trần,...

Cố vấn nghệ thuật của Vietnam Idol 2023 khẳng định bản thân khi hướng dẫn cho các nghệ sĩ đều nhắc nhở về sự may mắn khi được làm nghề, tình yêu với âm nhạc và tri ân với khán giả của mình. 

Cô nói thêm: “Tôi cũng nghiên cứu phương pháp giảng dạy để luôn mới mẻ và tạo cảm hứng cho học trò. Để các em thấy là: không có bài hát chán, chỉ là tâm hồn mình có đủ sự đam mê, trân trọng và rung động hay không? Các em phải luôn giữ sự sáng tạo và biết cách làm mới chính mình mỗi khi lên sân khấu. Còn nếu các em chỉ hát như một cỗ máy kiếm tiền, khán giả sẽ tự động đào thải các em. Đó là quy luật”. 

Nỗi sợ trở thành “thợ hát”

Tùng Dương từng tâm sự trong một bài phỏng vấn vào năm 2015: “Tôi luôn nghĩ: Là ca sĩ, không có nghĩa mình chỉ hát, mà điều quan trọng hơn là gửi gắm thông điệp qua những bài hát ấy. Tôi sợ nhất là mình sẽ thành ‘thợ hát’. Tức là hát nhiều, hát giỏi mà mất đi cảm xúc. Nhiều nghệ sĩ bị nói như vậy lắm. Tôi cũng sợ, một ngày nào đấy mình bị như thế, nên phải chuẩn bị cho mình rất nhiều yếu tố để đón nhận”. 

Nỗi sợ phía sau thành công của những ca sĩ 'có giọng' ở nhạc Việt: Trở thành 'thợ hát', 'máy hát' - 4

Tùng Dương gây ấn tượng với tư duy âm nhạc mới mẻ, độc đáo khi làm mới nhiều bài nhạc trẻ.

Một ca sĩ “có giọng” khác là Nguyên Hà cũng từng hoài nghi rằng bản thân có thể trở thành "thợ hát" nếu chỉ mãi biểu diễn những ca khúc quen thuộc. Vì vậy, nữ ca sĩ liên tục thể hiện những phép thử mới lạ với tiết tấu nhanh, có sự thăng hoa nhất định nếu so với những bài hát đều đều, khoe giọng trước đây. 

Ca sĩ Myra Trần nói trong một bài phỏng vấn vào tháng 4/2023: "Tôi đang trong giai đoạn hát bài nào sướng bài đó. Tôi cố gắng không để bản thân rơi vào trường hợp này. Thiệt sự, việc được đứng trên sân khấu là một lẽ sống của tôi. Khi hát mỗi bản live, tôi sẽ có những sự khác biệt từ cách hát, nốt luyến. Tôi không muốn đi hát chỉ vì vấn đề kinh tế…”.

NSƯT Hoàng Tùng - người giành giải nhất Sao Mai 2003 - từng nêu quan điểm của bản thân: “Thợ hát và nghệ sĩ là hai khái niệm khác nhau. Thợ hát thì chỉ cần hát đúng kỹ thuật; nhưng nghệ sĩ thì ngoài kỹ thuật còn có nhiều yếu tố khác như tình cảm, và nhất định họ phải là người sáng tạo thứ hai trên tác phẩm gốc”. 

Nỗi sợ phía sau thành công của những ca sĩ 'có giọng' ở nhạc Việt: Trở thành 'thợ hát', 'máy hát' - 5

Trở thành "máy hát", "thợ hát" đang là nỗi sợ của nhiều ca sĩ.

Huấn luyện viên thanh nhạc Mỹ Ngọc phân tích thêm về thành công của loạt ca sĩ với giọng hát ấn tượng: "Họ là những ca sĩ có thực lực. 'Ngựa chạy đường dài mới là ngựa hay'. Khi tất cả những thứ hào nhoáng, trending qua đi, điều còn lại vẫn là giọng hát hay, cảm xúc chạm vào khán giả.

Hà Nhi và Myra Trần, hai học trò của tôi, các em luôn vô cùng chăm chỉ, liên tục làm mới bản thân, thử nghiệm những thể loại mới bên cạnh việc có giọng hát tốt. Văn Mai Hương và Trung Quân làm việc rất chuyên nghiệp. Các em cho ra mắt những sản phẩm được đầu tư nghiêm túc, thể hiện sự tôn trọng khán giả. Tất cả những điều đó khiến họ trở nên khác biệt so với lứa nghệ sĩ trẻ bây giờ. Việc khán giả luôn yêu mến họ, tôi nghĩ rất xứng đáng với mọi nỗ lực và cố gắng của các nghệ sĩ này.".